Tại Việt Nam có một loại thảo dược quý được cổ nhân ví như “thiên tịnh” (tinh của trời), “địa tiên” (tiên của đất), “khước lão” (đẩy lui tuổi già). Đó chính là kỳ tử.
Ở Việt Nam, cây kỷ tử được trồng nhiều nhất ở các tỉnh miền núi như lào Cai, Lai Châu, Yên Bái. Ngoài ra, có thể tìm thấy kỷ tử ở Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản.
Lượng tiêu thụ câu kỷ tử ở Việt Nam hiện nay rất lớn, bởi đây vừa là một loại thực phẩm, vừa là một vị thuốc phổ biến trong Đông Y. Thời cổ đại, các thái y trong triều thường cho nấu canh kỷ tử với ngân nhĩ dâng lên Vua, giúp phục hồi sức khỏe.
“Kim cương đỏ”
Theo hãng tin BBC (Anh), kỷ tử đã trở nên nổi tiếng khắp thế giới như một loại siêu thực phẩm. Nó được gọi là “kim cương đỏ” bởi có tác dụng chống lão hóa.
Tại Trung Quốc, kỷ tử rất được coi trọng. Người ta thường cho kỷ tử khô vào món gà hầm cùng với táo đỏ và gừng, bắc trên bếp đun lửa liu riu thật lâu, hoặc hãm cùng trà hoa cúc để làm tăng hàm lượng vitamin.
Trong Đông Y, kỷ tử được nhận xét là có vị ngọt, tính bình, chủ yếu dùng cho các bài thuốc an thần, ích khí, trừ phong, cường thịnh âm đạo và nhuận phế.
Theo cuốn “Sổ tay lâm sàng trung dược”, kỷ tử có chứa hoạt chất betaine rất tốt cho da và tóc, cải thiện tình trạng nếp nhăn. Đây cũng là lý do nó được rất nhiều chị em phụ nữ ưa chuộng.
Cuốn “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” còn cho biết, kỷ tử có hàm lượng lớn chất béo, protein và axit linoleic, rất có lợi cho sức khỏe.
Ngoài ra, hoạt chất lysozyme trong kỷ tử có khả năng phòng ngừa sự xâm nhập và gây bệnh của vi khuẩn, gia tăng sức đề kháng cho cơ thể. Một số nghiên cứu khác cho thấy kỷ tử có tác dụng tăng cường sinh lý cho phái mạnh và hỗ trợ cải thiện bệnh Alzheimer.
Theo nghiên cứu của Đại học Trung Hoa (Hồng Kông, Trung Quốc) và Đại học John Johns Hopkins (Baltimore), kỷ tử cung cấp một loại hoạt chất có tên là zeaxanthin, với công dụng chống oxy hóa rất tốt, giúp tăng cường thị lực.
“Bạn nên ăn kỷ tử vì nó tốt cho mắt” – Bà Zhang Ruifen, một thầy thuốc làm việc ở hệ thống Phòng Mạch Cổ truyền Trung Hoa Eu Yan Sang cho biết – “Tôi còn kê loại hạt này để giúp tăng cường khả năng hệ thống thận và gan, đây là những hệ thống mà các thầy thuốc Trung Hoa tin rằng mắt là một phần trong đó”.
“Tuy nhiên, nếu một người bị sốt, sưng viêm hay đau họng, tức là rơi vào tình trạng ‘nhiệt’ theo cách gọi trong y dược Trung Hoa, thì tôi khuyên bệnh nhân hãy ngừng ăn hạt kỷ tử trong thời gian đó.
Nếu bệnh nhân cũng đang bị tình trạng ‘ướt’ và tiêu chảy, chúng tôi gọi là chứng suy tì, thì chúng tôi cũng khuyên không nên ăn hạt này. Nhưng khi bạn khỏe mạnh thì nhìn chung hạt kỷ tử thích hợp với tất cả mọi người” – Bà Zhang cho biết thêm.
Có giá bán đắt gấp 10 lần ở Đức
Trên thị trường Việt Nam, kỷ tử có giá khoảng 30.000 – 40.000 đồng/lạng. Do giá thành rẻ mà chất lượng khá tốt nên hiện nay nhiều người tìm đến kỷ tử Việt Nam, thay vì các loại kỳ tử nhập khẩu.
Năm 2018, tại Đức rộ lên cơn sốt hạt kỷ tử, lượng tiêu thụ liên tục tăng cao. Kỷ tử trở thành thực phẩm “hot” trên mạng, được giới trẻ Đức ưa chuộng. Họ thường xuyên chia sẻ công thức chế biến kỷ tử một cách đa dạng và sáng tạo.
Ở các siêu thị hữu cơ lớn tại Đức như DM, Muller, Reformhaus, hạt kỷ tử được xếp vào nhóm “đồ ăn siêu cấp”, tức là các loại thực phẩm có lợi cho sức khỏe với thành phần dinh dưỡng cao.
Ngoài hạt kỷ tử sấy khô, tại Đức còn bán nước ép kỷ tử nguyên chất. Đáng nói, giá kỷ tử sấy khô rất đắt đỏ, loại cao nhất là 10 euro/lạng (gần 300.000 đồng), đắt gấp gần 10 lần giá kỷ tử ở Việt Nam.
Không chỉ ở Đức, theo BBC, kỷ tử còn có thời gian gây sốt ở nhiều nơi trên thế giới. Tại Mỹ, sau khi những người nổi tiếng ca ngợi thứ hạt có màu đỏ, sấy khô và giàu dinh dưỡng này, nó đã trở thành mặt hàng phổ biến trong các cửa hàng chuyên dụng và siêu thị.
Những cư dân Gen Z đua nhau tìm mua “ấm trà sinh lực” để pha trà kỷ tử. Một số nghiên cứu cho thấy thế hệ Gen Z giờ đây đang phổ biến quan niệm cho rằng sống khỏe mạnh là ưu tiên hàng đầu, thậm chí quan trọng hơn cả tiền bạc, sự nghiệp và hay lập gia đình.
https://phunuvietnam.vn/mot-loai-hat-o-viet-nam-duoc-bao-anh-vi-nhu-kim-cuong-do-co-gia-ban-dat-gap-10-lan-o-duc-20230419115550778.htm