Hơn 12h đêm, tôi định ra gọi mẹ chồng vào ngủ kẻo mệt. Nhưng vừa bước ra ngoài, tôi đã nghe tiếng mẹ chồng và chồng thì thầm to nhỏ.
Tôi là một đứa trẻ mồ côi mẹ. Suốt tuổi thơ, bố vẫn thường nói với tôi như thế.
Cho đến khi tôi lớn, bắt đầu hiểu chuyện, để tâm tới những lời người ta xì xào, lúc đó bố mới kể cho tôi nghe sự thật. Rằng lúc tôi 2 tuổi, vì hoàn cảnh quá nghèo khó, mẹ đã bỏ bố con tôi, bỏ quê hương, chạy theo một người đàn ông giàu có góa vợ.
Mặc dù tôi không biết rõ mặt mẹ, cũng không muốn hình dung mẹ tôi là người như thế nào, chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ để tôi căm ghét người đã sinh ra mình.
Càng hận mẹ, tôi càng thương bố, càng cố gắng học hành, ngoan ngoãn, chăm chỉ để bù đắp cho bố vì đã sống cảnh “gà trống nuôi con” bao nhiêu năm.
Nhưng ông trời đã quá khắt khe với bố con tôi. Bố tôi bị tai nạn trong một chiều mưa đi làm về. Vụ tai nạn đã làm bố tôi suy giảm sức lao động nghiêm trọng.
Khi đó, tôi học năm nhất đại học đã quyết định nghỉ học để đi làm kiếm tiền lo cho bố. Đó là điều làm bố tôi đau khổ nhất, nhưng tôi không còn lựa chọn nào khác. Nếu tôi không báo hiếu bố lúc này thì đợi đến khi nào nữa?
Cuộc trò chuyện giữa chồng và mẹ chồng khiến tôi bật khóc. (Ảnh minh họa: iStock).
Ở tuổi 25, tôi yêu anh. Anh cùng quê với tôi, lên thành phố học và ở lại lập nghiệp. Tuy sống cùng làng, vì anh hơn tuổi nên chúng tôi chỉ biết chứ chưa từng chơi với nhau.
Anh nói biết rất rõ hoàn cảnh gia đình tôi. Anh thương tôi thiệt thòi, ngưỡng mộ tình yêu thương bố con tôi dành cho nhau. Thế nhưng tình yêu của chúng tôi lại bị gia đình anh phản đối.
Mẹ anh không thích tôi. Nói đúng hơn, bà không thích hoàn cảnh của tôi. Bà nói: “Mẹ nào con nấy, mà con gái thì thường giống mẹ”.
Mẹ tôi sống “bạc tình bạc nghĩa”, “tham vàng bỏ ngãi”, vì tiền mà bỏ chồng bỏ con. Bà sợ tôi sau này cũng sẽ như mẹ tôi, sống chẳng ra gì.
Tôi nhận thấy anh rất cố gắng bảo vệ tình yêu của mình. Nhưng dần dần, có vẻ như anh cũng mệt mỏi, muốn buông xuôi. Đúng lúc cả hai chúng tôi quyết định dừng lại để không làm khổ nhau thêm, tôi phát hiện có bầu.
Vì “gạo đã nấu thành cơm”, mẹ anh không còn cách nào ngoài việc cho chúng tôi làm đám cưới. Bà không thích tôi nhưng không muốn chối bỏ máu mủ, nòi giống nhà mình. Tận trong thâm tâm, tôi vẫn luôn cảm kích vì điều đó và tự nhủ mình sẽ sống thật tốt để không khiến gia đình chồng thất vọng.
Sau khi cưới, vợ chồng tôi sống trong căn nhà trọ chồng tôi đã thuê và ở trước đó. Tôi vẫn đi làm nhân viên bán hàng ở siêu thị. Số tiền tôi kiếm được, một nửa gửi về quê cho bố.
Tôi đã nói rõ điều này khi yêu anh và anh hoàn toàn ủng hộ. Vậy nên kinh tế trong nhà, chủ yếu vẫn là chồng tôi lo liệu.
Mới đây, chồng tôi nói rằng tôi sắp đến ngày sinh nở, e rằng phòng trọ này quá chật chội khi có thêm con nhỏ. Anh muốn mua một căn hộ chung cư giá vừa phải.
Bố mẹ anh sẽ cho một nửa. Anh có một chút tiền để dành, còn thiếu bao nhiêu anh sẽ vay mượn anh em, bạn bè rồi trả dần. Tôi nói việc lớn như vậy tùy anh quyết định, tôi không có ý kiến gì.
Chúng tôi đã đi xem nhà, thỏa thuận xong giá cả, chỉ chờ mẹ chồng lên xem lại rồi sẽ đặt cọc sang tên. Chồng tôi muốn nhận nhà trước khi tôi sinh.
Vài hôm trước, mẹ chồng tôi lên đi xem nhà. Xem xong bà cũng ưng, bảo rằng nhà như vậy gia đình 4 người sống thoải mái, không cần rộng rãi làm gì.
Tối đó, sau bữa cơm, ngồi một lúc tôi thấy mỏi lưng nên xin phép đi ngủ trước, bảo chút nữa mẹ chồng vào ngủ với tôi, để chồng tôi ngủ ở ghế cũng được.
Tôi nằm thiếp đi một lúc, tỉnh dậy thấy hơn 12h đêm mà vẫn còn nghe tiếng rì rầm bên ngoài. Tôi đứng dậy, định bảo mẹ chồng nghỉ kẻo thức khuya sẽ mệt. Nhưng vừa mới bước ra ngoài đã nghe tiếng mẹ chồng và chồng thì thầm to nhỏ:
– Ông bà ta nói cấm có sai đâu, mẹ nào con nấy thôi. Mẹ biết mẹ vợ con, hồi trẻ hiền lành, chăm chỉ lắm, cuối cùng cũng đổ đốn đấy thôi. Vậy nên vợ con giờ như thế, chứ về lâu về dài chả biết thế nào đâu.
Cái nhà này cứ để mẹ đứng tên, dù sao vợ con có góp được xu nào vào đó đâu. Nếu yên ấm thì không sao, mai sau hai đứa có chuyện gì, nhà cửa chia đôi thì chả phải là con thiệt à. Thà mất người chứ không để mất của.
– Nhưng thế thì nói thế nào với cô ấy?
– Con cứ để yên mẹ xử lý chuyện này, đảm bảo êm đẹp cả.
– Vâng, vậy mẹ nói thế nào cho khéo nhé. Con sợ cô ấy nghĩ ngợi.
Tôi chỉ nghe đến đó, thật lòng không muốn nghe thêm. Tôi quay lại giường nằm, nước mắt lăn dài.
Chỉ bấy nhiêu thôi, tôi đã hiểu tâm địa của mẹ chồng. Nhưng điều làm tôi đau lòng hơn chính là chồng tôi cũng đồng ý với suy nghĩ của mẹ.
Chồng tôi từ trước đến nay vẫn thế, chuyện gì cũng không có chính kiến. Trước đây dù rất yêu tôi, chỉ vì mẹ anh phản đối, anh đã định buông xuôi. Nếu không vì tôi dính bầu đúng thời điểm ấy, chắc chắn đã hai đứa hai đường.
Giờ mua nhà, mẹ chồng nói để bà đứng tên, lỡ mai vợ chồng lục đục chia tay, cái nhà vẫn là của anh trọn vẹn.
Dù là tài sản mua trong thời kỳ hôn nhân, vì là tiền của mẹ con anh, tôi không có đóng góp xu nào nên không được chia là điều hiển nhiên. Mai này, vì lý do gì đó, mẹ chồng xui chồng tôi bỏ vợ, chắc rồi anh cũng nghe theo.
Từ ngày lấy anh, tôi đã tự nhủ phải sống thật tốt. Sinh ra và lớn lên trong nghịch cảnh, tôi trân trọng hai chữ “Gia đình”.
Tôi luôn mong mình có thể làm con dâu, làm vợ thật tốt. Nhưng với một gia đình mà từ mẹ chồng đến chồng luôn đề phòng tôi, tôi phải hết lòng như thế nào với họ?
Nếu họ đã tính đường xa như vậy, tôi có nên nói thẳng những điều tôi nghe được và suy nghĩ của mình với chồng hay không?
Tương lai đúng là chẳng ai nói trước được chuyện gì, biết đâu sau này không phải tôi thay lòng mà chồng tôi thay lòng thì sao? Chẳng lẽ bao nhiêu năm thanh xuân của tôi, bao năm vì chồng vì con của tôi sẽ lại bị đẩy ra đường không nhà không cửa?
Theo Dân Trí