Ngày 4/4, Christine Carrillo – giám đốc điều hành của doanh nghiệp có trụ sở tại Hawaii – đã đăng trên trang cá nhân của mình rằng: “Tài sản bị định giá thấp nhất của một CEO là trợ lý ảo, dù thực tế, họ giúp tôi tiết kiệm đến 60% thời gian”.
Bản thân Carrillo điều hành một công ty khởi nghiệp chuyên về công nghệ, bên cạnh đó, cô còn kiêm cả các công việc khác như viết lách, lướt web, nấu ăn, đọc sách và tham gia khóa học viết. Vậy làm cách nào để cô có thể xoay sở tất cả mọi nhiệm vụ trong một khoảng thời gian giới hạn? Đáp án chính là thuê người làm thay hầu hết mọi việc.
Công việc lý tưởng cho những “cú đêm”
Angela Monta, một “trợ lý ảo” tại đô thị San Mateo thuộc Philippines, làm việc thâu đêm 5 ngày mỗi tuần với mức lương 1.200 USD (khoảng 28 triệu đồng) một tháng. Và cô không thể hài lòng hơn về công việc hiện tại của mình.
Chỉ hơn 1 năm trước, cô gái trẻ 25 tuổi vẫn còn là nhân viên làm việc trong hệ thống chính phủ. Mỗi ngày đi làm với Monta đều là một ngày nặng nề khi phải di chuyển một quãng đường dài để đến được văn phòng và lo rằng mình có thể sẽ mang Covid-19 về cho gia đình. Vì thế, Monta đã quyết định nghỉ việc và chuyển sang làm trợ lý điều hành cho một nhà đầu tư mạo hiểm tại California – nơi chênh lệch với quê hương của cô đến 15 giờ.
Monta là một phần trong làn sóng làm trợ lý ảo từ xa tại Philippines. Khách hàng chính của họ thường là những doanh nhân khởi nghiệp, đa số là ở Mỹ. Trong khi những doanh nhân này bận rộn công tác và gặp gỡ khách hàng, những trợ lý ảo sẽ chịu trách nhiệm giải quyết toàn bộ công việc văn phòng, từ gửi email đến lên lịch trình. Với thời gian làm việc suốt đêm, mức lương mà họ nhận được vượt xa mức trung bình tại Philippines.
Làm việc tại nhà của bố mẹ, Monta dành cả đêm để đáp ứng nhu cầu đa dạng đến chóng mặt của khách hàng. Nhiệm vụ của cô bao gồm “tất cả mọi thứ theo đúng nghĩa đen”, chẳng hạn, có một lần Monta phải giúp khách hàng theo dõi thói quen hàng ngày của con họ. Công việc này đòi hỏi cô quan sát từng hành vi từ ăn, ngủ đến cả việc đi vệ sinh của đứa trẻ.
Monta kiếm được gần gấp 3 lần so với mức lương cô nhận được khi còn làm việc cho chính phủ, và gấp 4 lần mức lương trung bình ở Philippines là 300 USD mỗi tháng. “Từ khi bắt đầu làm trợ lý ảo, cuộc sống của tôi trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Đó thực sự là một công việc nâng cấp phong cách sống của bạn”.
Xu hướng nghề nghiệp mới
Sự bùng nổ của các doanh nghiệp nhỏ và đơn lẻ trong thời kỳ đại dịch kéo theo sự phát triển của dịch vụ trợ lý ảo. Họ rẻ hơn, được tuyển dụng nhanh chóng thông qua các công ty hoặc các nền tảng tuyển dụng tự do, đồng thời có giờ giấc làm việc linh hoạt hơn so với nhân viên truyền thống.
Theo công ty môi giới trợ lý There Is Talent có trụ sở tại Colombia, thị trường trợ lý ảo đã bành trướng gấp đôi chỉ trong vòng 1 năm từ 2021 đến 2022. Ước tính cho thấy trên thế giới hiện nay có khoảng 40 triệu trợ lý ảo, phần lớn trong số đó ở Philippines vì đây là nơi có lực lượng lao động lành nghề và thông thạo tiếng Anh.
Thuê trợ lý làm việc từ xa là một thỏa thuận tốt dành cho các nhà tuyển dụng, đơn giản là vì họ chỉ cần trả một phần lương tiêu chuẩn và không cần phải trả thêm các khoản như lương hưu hoặc bảo hiểm. Trong khi đó, theo nền tảng tuyển dụng Glassdoor, một trợ lý làm việc trực tiếp ở Mỹ có giá thuê gần 56.000 USD (khoảng 1,3 tỷ đồng) mỗi năm, tương đương 4.700 USD (khoảng 110 triệu đồng) mỗi tháng. Mức thù lao Monta nhận được hiện tại chỉ rơi vào khoảng 1/4 số tiền này.
Theo Leonardo A.Lanzona Jr., nhà kinh tế học lao động tại Đại học Ateneo de Manila, sự trỗi dậy của ngành công nghiệp trợ lý ảo vừa là điềm lành và đồng thời cũng là lời nguyền cho thị trường lao động Philippines.
Chia sẻ với Rest of World, ông cho hay: “Những người lao động vốn bị cản trở bởi các điều kiện kinh tế giờ đây đã có nhiều cơ hội hơn. Nhưng vấn đề là công việc này không đảm bảo an toàn và lợi ích như các công việc truyền thống”. Mặc dù trợ lý là một công việc lý tưởng đối với hầu hết người lao động tại quốc gia này, nhưng tính chất tạm thời của nó cũng dễ khiến họ rơi vào tình thế bấp bênh và đối mặt với những nguy cơ không lường trước.
Số liệu trích dẫn năm 2022 của các nền tảng thanh toán Payoneer và GCash cho thấy có tới 1,3 triệu người Philippines làm các công việc tự do trực tuyến. Ngay cả trước khi đại dịch bùng phát, quốc gia này vẫn là thị trường phát triển nhanh thứ sáu về công việc kỹ thuật số trên toàn cầu.
Raine Soriano, một trợ lý ảo 35 tuổi sống tại tỉnh Nueva Ecija, nói rằng có rất nhiều sự cạnh trong trong ngành dịch vụ này. Anh tiếp cận với công việc trợ lý đầu tiên của mình thông qua một quảng cáo trên mạng xã hội và hiện đang làm việc cho công ty bất động sản tại Canada với mức lương khoảng 2.000 USD mỗi tháng.
Soriano nhận thấy rằng số người trên mạng xã hội tìm kiếm các công việc trực tuyến nhiều hơn khoảng 20 lần so với thời kỳ trước đại dịch. Các hội nhóm có tên như “việc làm trợ lý ảo tại Philippines”, “tuyển dụng trợ lý ảo ở Philippines hoặc “trợ lý ảo tại nhà tại Philippines” thu hút số lượng thành viên lên đến hàng trăm nghìn.
Mặt trái của xu hướng thuê trợ lý ảo
Không phải tất cả các trợ lý ảo tại Philippines đều có trải nghiệm tích cực trong công việc của mình. Không ít câu chuyện về việc khách hàng thuê trợ lý rồi đột ngột biến mất mà không thanh toán lương được lan truyền trong cộng đồng. Điều này khiến một số nền tảng tìm việc phải cung cấp chức năng tương tự ký quỹ, nghĩa là bên thuê phải thanh toán trước khoản tiền thù lao cho nền tảng, số tiền này sẽ được nền tảng giữ và chuyển thẳng đến người lao động khi công việc hoàn thành.
Có nhiều cách khác nhau để xác định mức lương, có thể trả theo giờ, hoặc một khoản cố định cho toàn bộ nhiệm vụ. Số tiền cao hay thấp hoàn toàn phụ thuộc vào giao dịch giữa người lao động và người thuê.
Jerty Mateo (42 tuổi) đã làm trợ lý ảo được 10 năm, và đã từng gặp trường hợp như trên. Cụ thể, cô và khách hàng đã thống nhất mức lương là 7 USD (tương đương 164 nghìn đồng) cho mỗi giờ làm việc, nhưng đôi khi các khoản thanh toán nhận được lại bị thâm hụt. Mặc dù quyết tâm “theo đuổi” khoản tiền còn thiếu trong ba tuần, những gì Mateo nhận về chỉ là con số không.
Theo Lanzona, nếu công việc trợ lý trở thành một bộ phận đáng kể trong thị trường lao động cũng như kinh tế của Philippines, chính phủ cần phải tạo ra các bộ luật và chính sách để bảo vệ người lao động.
https://phunuvietnam.vn/cong-viec-dac-biet-danh-cho-nguoi-dam-me-thuc-khuya-ngoi-nha-cung-kiem-duoc-28-trieu-dong-thang-20230426214141222.htm